HOTLINE: 028.54173796

Táo bón trên nái nuôi con

Làm thế nào để giúp nái nuôi con hạn chế vấn đề táo bón? Thức ăn? Nước Uống? Chăm sóc quản lý?

 

Táo bón trên nái, nhất là nái nuôi con gây ra giảm lượng thức ăn ăn vào, khiến cho lượng sữa giảm, ảnh hưởng đến sức khỏe heo con, làm tăng tỉ lệ tiêu chảy và gia tăng tỉ lệ chết trên heo con theo mẹ. Vậy, những nguyên nhân phổ biến gây táo bón trên nái nuôi con là gì và giải pháp như thế nào?

NGUYÊN NHÂN

1. Do quản lý: là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng táo bón.

  • Nái được chuyển từ chuồng bầu đến chuồng đẻ ít hơn 5 ngày, nái chưa đủ thời gian thích nghi với điều kiện mới làm tăng stress, các hormone corticoid làm tăng đường huyết, giảm tính thèm ăn, giảm chức năng tiêu hóa, giảm khối lượng phân dẫn đến nái táo bón.
  • Nhu cầu nước uống trên nái nuôi con 35 – 45 lít/nái/ngày, nước cứng (chứa nhiều Ca2+ và Mg2+) có vị đắng làm giảm lượng nước uống. Nái khó khăn trong việc tiếp cận núm uống, bát uống do độ cao và áp lực (2l/phút) không phù hợp cũng làm giảm lượng nước uống vào. Nhiệt độ nước cao do hệ thống dẫn nước tiếp xúc với ánh nắng mặt trời làm nái lười uống.

2. Chăn nuôi tập trung làm giảm diện tích ô chuồng nuôi nhốt, nái ít vận động trong suốt thời gian mang thai làm giảm sức co bóp cơ thành bụng, giảm nhu động cơ trơn khiến sự bài thải chất chứa trong ruột kém.

3. Quy trình cho ăn bị thay đổi, không đúng giờ cố định khiến chức năng tiết men tiêu hóa bị rối loạn, gây khó khăn trong sự tiêu hóa các chất dinh dưỡng, sự dư thừa protein trong ruột già gây nên sự tăng sinh của vi sinh vật có hại, đặc biệt các vi khuẩn gram âm có khả năng tiết nội độc tố khi chết điDo sự thay đổi hormone trong thời kì cuối mang thai: sự tăng tiết progesteron có tác dụng an thai gây nên sự giảm nhu động của cơ trơn, chức năng nhu động ruột giảm khiến hệ vi sinh trong ruột già tăng sinh, gây tác động tương tự như quy trình cho ăn không điều độ.

4. Do sốt: khi sốt, nhu cầu nước tăng cao để điều hòa thân nhiệt trong khi sự thu nhận nước giảm do thú uể oải, lười uống, nước trong cơ thể được huy động, tăng hấp thu nước từ ruột vào cơ thể, hàm lượng nước trong chất chứa giảm khiến nái táo bón.

5. Do dinh dưỡng:

  • Sự chuyển đổi từ thức ăn dinh dưỡng thấp của giai đoạn mang thai sang dinh dưỡng cao của giai đoạn nuôi con làm giảm hàm lượng xơ trong công thức. Cần chú ý đến sự chênh lệch hàm lượng xơ trong thức ăn của hai giai đoạn này.
  • Một số loại kháng sinh được dùng trong quy trình phòng bệnh định kỳ của trại được trộn vào thức ăn có thể gây táo bón.

GIẢI PHÁP

  1. Điều trị:

MgSO4: 150 mg/nái/ngày.

Dầu khoáng: 500 ml/nái.

  2. Phòng ngừa:

  • Cung cấp đủ nước uống sạch mát.
  • Chuyển chuồng từ mang thai à đẻ ít nhất 5 ngày.
  • Giảm lượng ăn dần từ 3 – 3,5 kg trong chu kì 3 của giai đoạn mang thai còn 1,5 – 2 kg/nái trong 3 ngày trước ngày dự sinh.
  • Cho nái ăn đúng giờ.
  • Chú ý nhiệt độ và ẩm độ chuồng nuôi, luôn luôn thông thoáng.
  • Giải pháp dinh dưỡng:
    • Hàm lượng xơ: nái mang thai: 5 – 7%, nuôi con: 4 – 5,5%.
    • Sử dụng nguyên liệu giàu xơ (cám gạo, cám mì) nhưng phải bổ sung enzyme phytase để tận dụng lượng phospho thực vật. Giới hạn sử dụng: 30% đối với cám mì, 40% đối với cám gạo.
    • Bổ sung các chế phẩm hỗn hợp xơ không tan và xơ tan để tạo một hệ vi sinh ở ruột già cạnh tranh với vi sinh vật có hại. Hơn nữa, sự lên men của xơ tan trong ruột già giải phóng các acid béo bay hơi cung cấp một phần năng lượng cho nái.
    • Bổ sung các chế phẩm chứa nấm men, chiết xuất từ nấm men để ổn định hệ vi sinh đường ruột, cải thiện chức năng đường ruột trên nái.
    • Giải pháp dài hạn, có sản phẩm giai đoạn cuối mang thai (85 – 110 ngày mang thai) tạo sự chuyển đổi trước khi dùng thức ăn nái nuôi con.

Nguồn: Phòng kỹ thuật công ty TNHH Thương Mại Sản Xuất Faco Feed

Phản hồi của bạn